Tên chính thức: Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, Tỉnh Nghệ An
Tên ngắn gọn: Khu dự trữ sinh quyển miền tây nghệ An
Ngày được UNESCO công nhận: 20-9-2007
Tổng diện tích: 1 303 278 ha. Số dân: 437 822 người.
(H) Bản đồ phân vùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An
Khu DTSQ đề xuất có diện tích là 1.303.285 ha thuộc địa bàn 9 huyện miền núi (Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn,Thanh Chương, Tân Kỳ). Khu DTSQ được thiết kế phù hợp với tiêu chí thực hiện 3 chức năng của một khu DTSQ thế giới và chiến lược phát triển bền vững của quốc gia và UBND Tỉnh trong việc thực hiện công ước đa dạng sinh học (CBD) và Agenda 21. Khu DTSQ đề xuất có 440,8 km biên giới hữu nghị với nước CHDC Nhân dân Lào. Đây sẽ là cơ hội để xây dựng khu DTSQ liên quốc gia sau khi có sự thỏa thuận giữa 2 chính phủ.
Vùng sinh địa của toàn bộ khu DTSQ được đề xuất thuộc hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới thuộc 12 loại hình hệ sinh thái chính mà UNESCO-MAB nêu ra. Những khu rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh còn sót lại tại khu DTSQ đề xuất này là một di sản hết sức quí giá sau rất nhiều biến cố, nhất là sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ và đặc biệt là trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn mà hầu hết sinh kế của người dân địa phương đều phụ thuộc vào nguồn tài nguyên rừng. Đồng thời, điều này cũng nói lên nỗ lực bảo vệ rừng của chính quyền và nhân dân địa phương trong điều kiện rừng bị khác thác kiệt quệ cho mục đích phát triển kinh tế ở nhiều vùng khác. Đây là khu DTSQ đề xuất có diện tích lớn nhất trong các khu DTSQ đã có và trong hệ thống các Khu bảo tồn Việt nam được xây dựng trên ý tưởng về nguyên lý bảo tồn tổng thể cảnh quan với các khoảng chia cắt giữa 3 Khu bảo tồn (1 Vườn quốc gia và 2 khu BTTN tách biệt) sẽ được nối liền bằng các vùng hành lang là các vùng đệm. Một diện tích lớn rừng nguyên sinh còn sót lại, kể cả những vùng chưa có người đặt chân tới đang cuốn hút các nhà nghiên cứu định tên các loài mới và các loài còn sót lại trên thế giới, đặc biệt là Sao la (Pseudoryx nghetinhensis). Khu DTSQ đề xuất có các dân tộc anh em sinh sống như Thái, Đan Lai (Ly Hà), Khơ Mú, Ơ Đu, H’ Mông, Kinh.
Đặc biệt có Dân tộc Ơ Đu chỉ còn 528 người (theo kết quả điều tra 30/12/2003) đang trong tình trạng thoái hóa về thể chất và trong hoàn cảnh sống hết sức khó khăn. Đây là tộc người còn sót lại mà trước thế kỷ thứ 11 đã từng là một bộ tộc có nền văn hóa rực rỡ ngã ba sông Nậm Nơn - Nậm Mô - sông Cả. Và đây cũng là ranh giới cuối cùng của tộc người Thái trong quá trình di cư xuống phía Nam. Khu DTSQ đề xuất sẽ góp phần phát triển kinh tế nâng cao mức sống người dân thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) đề xuất Tây Nghệ An bao gồm Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An, theo trục Bắc – Nam. Khu DTSQ bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Cả với 3 chi lưu quan trọng là sông Hiếu, sông Nậm Nơn và sông Nậm Mô. Các vùng này thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn.Vùng sinh thái dãy Trường Sơn trải rộng và nằm dài trên phạm vi lãnh thổ 2 quốc gia Việt Nam và Lào. Lòng máng sông Cả (sông Lam) chỉ là đứt gãy bản lề của vùng sinh thái Trường Sơn này tạo nên phức hệ đa dạng và phong phú của hệ sinh thái Trường Sơn. Việc xây dựng Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An sẽ tạo nên một hành lang bảo tồn đa dạng sinh học với các loài động thực vật có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế đã được đề cập đến trong hệ thống sách đỏ Việt Nam và IUCN (đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn). Căn cứ vào tiêu chí trong xếp hạng ưu tiên trong bảo tồn, khu DTSQ đề xuất thuộc một trong những khu vực có mức điểm cao nhất trong hệ thống bảo tồn của Việt Nam.